Việt Nam và Đức hợp tác trong lĩnh vực năng lượng gió
Chuyến công tác tại TP. Hồ Chí Minh của các công ty năng lượng gió đến từ Đức sẽ là cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và Đức xây dựng quan hệ đối tác đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện các dự án trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa.
Trong khuôn khổ chương trình “Năng lượng tái tạo – Made in Germany” được Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (BMWi) khởi xướng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AHK) với sự hợp tác của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp gồm 8 công ty Đức trong lĩnh vực năng lượng gió sang thăm và làm việc nhằm tìm hiểu các tiềm năng của thị trường điện gió tại Việt Nam. Trong thời gian một tuần, các đại diện doanh nghiệp Đức sẽ có cơ hội gặp gỡ với các công ty Việt Nam cũng như các cơ quan, tổ chức của Chính phủ nhằm xúc tiến quan hệ hợp tác và phát triển. Tham gia trong chuyến công tác bao gồm các công ty trong lĩnh vực năng lượng gió như ABO Wind AG, Ammonit Measurement GmbH, Anemos GmbH, Enercon GmbH, leXsolar, Nordex Energy GmbH, SETEC Wind-Power GmbH và WKA Beton Service.
Chương trình làm việc của đoàn doanh nghiệp Đức bắt đầu với hội thảo về năng lượng gió tại Việt Nam diễn ra vào ngày 23/11 tại khách sạn InterContinental Asiana Saigon, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây các công ty Đức sẽ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình tới gần 100 công ty và đại diện Việt Nam. Bên cạnh đó, các buổi gặp gỡ trực tiếp kết nối các công ty Đức và Việt Nam sẽ được diễn ra nhằm thảo luận về cơ hội liên doanh hợp tác giữa hai bên. Tuần làm việc này sẽ kết thúc bằng chuyến thăm nhà máy CS Wind tại KCN Phú Mỹ 1, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi sản xuất tháp điện gió đầu tiên ở Việt Nam.
Cơ hội phát triển năng lượng gió ở Việt Nam là rất lớn với hơn 3.000 km đường bờ biển, khí hậu gió mùa và vận tốc gió trung bình đạt khoảng 6m/s. Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng này và đặt mục tiêu tăng đáng kể sản lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, lên tới 6,2 GW trong năm 2030. Biểu giá điện nối lưới hiện hành 7,8 cent USD/kWh đang được xem xét tăng thêm nhằm tạo thuận lợi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn nữa. Bên cạnh đó là rất nhiều các chính sách hỗ trợ đi kèm như miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành năng lượng gió.
Từ năm 2011, ba trang trại gió với tổng công suất 52 MW đã được thiết lập với sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ và nhà thầu quốc tế. Hiện tại các dự án khác cũng được lên kế hoạch và công tác đo sức gió tại nhiều khu vực theo tiêu chuẩn IEC cũng đang được Tổ chức GIZ thực hiện. Đây chính là cơ hội kinh doanh mà các doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực năng lượng gió có thể nắm bắt. Trong một tương lai rất gần, ngành năng lượng gió tại Việt Nam sẽ rất cần không chỉ những nhà phát triển dự án, quản lý hoạt động, các nhà cung cấp máy móc, linh kiện mà còn cả các kỹ sư, chuyên gia tư vấn lập kế hoạch, các nhà cung cấp kết quả đo sức gió nhằm bảo đảm sự phát triển ngành điện gió một cách bền vững.
Nguồn: Báo Công Thương