Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu năng lượng

  25/11/2015

Phòng thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo “Năng lượng gió tại Việt Nam – Cơ hội mới với giá điện FiT mới”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Năng lượng tái tạo – Made in Germany” được Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (BMWi) khởi xướng.

Năng lượng tái tạo đang dần trở thành xu hướng chung của thế giới.

Tại buổi hội thảo, 8 công ty hàng đầu của Đức trong lĩnh vực năng lượng như ABO Wind AG, Anemos GmbH, Nordex Energy GmbH... đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình tới gần 100 công ty và đại diện Việt Nam. Hội thảo cũng là dịp để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi và kết nối trực tiếp nhằm thảo luận về cơ hội liên doanh hợp tác giữa hai bên.

Theo tính toán, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước. Cụ thể, với gần 3.400 km bờ biển và vận tốc gió trung bình 6 m/s, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 500 đến 1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó, còn có nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm.

Từ năm 2011, 3 nhà máy điện gió với tổng công suất 52 MW đã được xây dựng dưới sự hỗ trợ của nhiều tổ chức và nhà thầu quốc tế. Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030, sản lượng điện gió của chúng ta sẽ đạt mức 6,2 GW/năm.

Theo ông Peter Cattelaens, Trưởng dự án GIZ tại Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong ngành năng lượng khi hơn 96% hộ dân được nối lưới điện. Tuy nhiên, phần lớn điện năng vẫn được sản xuất từ các loại năng lương không tái tạo như than đá, dầu mỏ... Và điều này cần phải được thay đổi trong tương lai.

Thực tế trên thế giới cho thấy, năng lượng tái tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng và đang được các nước quan tâm đầu tư. Năm 2012, mới chỉ có khoảng 200 ngàn công nhân làm việc trong ngành năng lượng tái tạo thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên hơn 800 ngàn.

Ông Peter Cattelaens đánh giá, bên cạnh rất nhiều chính sách hỗ trợ đi kèm như miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, việc Chính phủ Việt Nam đang xem xét tăng bảng giá điện trong thời gian tới (hiện nay là 7,8 cent, tương đương 1,800 đồng) chính là một động thái thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu có một lộ trình đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu năng lượng trong tương lai.

Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương, hiện Chính phủ đang xây dựng đề án với mục tiêu đến năm 2020 có thể giảm được 15% lượng điện sản xuất từ than đá. Đồng thời, phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, thủy điện, biomas... Để làm được điều đó, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe và hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có đủ trình độ công nghệ, năng lực sản xuất đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Nguồn:  Khoa học phát triển

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả