Sẽ tổ chức đấu thầu dự án điện gió

  25/11/2015

Sắp tới Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ tổ chức thí điểm đấu thầu chọn nhà đầu tư có năng lực triển khai một số dự án điện gió đã bị kéo dài, chậm triển khai, coi đây là giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió tại Việt Nam.

Hội thảo về năng lượng điện gió Việt Nam diễn ra tại TPHCM sáng 23/11

Trình bày tại hội thảo về năng lượng gió tại Việt Nam diễn ra tại TPHCM sáng 23-11, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo thuộc Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết, Chính phủ vừa giao Bộ Công Thương xem xét lại các dự án điện gió, rà soát giá trị thực mà chủ đầu tư bỏ ra cho từng dự án để đưa ra chính sách hỗ trợ giá mua điện hợp lý.

Theo ông Thực, trong tương lai, Bộ Công Thương có thể sẽ nghiên cứu một số dự án điện gió chậm triển khai ở Ninh Thuận, Bình Thuận để xin phép Chính phủ tổ chức thí điểm đấu thầu chọn nhà đầu tư khác có năng lực và đưa ra giá thấp nhất.

Thông qua việc đấu thầu chọn nhà đầu tư này, Nhà nước sẽ biết được giá thực của dự án điện gió, phân loại rõ giá dự án dùng thiết bị của Châu Âu, Mỹ hoặc các nước gần Việt Nam, để từ đó tính ra mức hỗ trợ giá mua điện cho từng dự án, tạo sự công bằng cho tất cả các chủ đầu tư- ông Thực cho hay.

Bình luận về phương án đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án điện gió, ông Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cho rằng ở nhiều quốc gia, ngân sách nhà nước bỏ ra lập quy hoạch, tính toán tiềm năng phát triển điện gió từng khu vực, chấm sẵn những vị trí phát triển điện gió thì việc tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư tiềm năng là rất hiệu quả.

Tuy nhiên, tại Việt Nam lâu nay các nhà đầu tư trong nước tthường phải tự bỏ chi phí ra dựng cột đo gió, nghiên cứu khả thi, lập dự án đầu tư tốn kém thời gian và chi phí. Trong hoàn cảnh đó, áp dụng phương án đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án điện gió là hơi khó; thậm chí nếu tổ chức đấu thầu lại thì nhà nước phải tổ chức thu hồi dự án, rất phức tạp. Trên thực tế rất khó áp dụng mô hình nước ngoài vào Việt Nam, ông Thịnh nhận định.

Gần đây, chính quyền một số tỉnh có nhiều tiềm năng điện gió như Ninh Thuận và Bình Thuận đã cho mời nhà đầu tư lên đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí thu hồi dự án chậm triển khai. Mới đây nhất, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã thu hồi dự án điện gió Phước Dân tại huyện Ninh Phước do nhà đầu tư chậm triển khai.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận sáng nay cũng cho hay hiện tỉnh này đang rà soát các dự án chậm triển khai và có thể sẽ kiến nghị thu hồi 3 dự án điện gió mà nhà đầu tư đã đăng ký từ lâu nhưng đến nay không thực hiện.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay do chưa sản xuất được thiết bị chính cho hệ thống điện gió nên chi phí đầu tư cao, trong đó chỉ riêng việc vận chuyển thiết bị từ nước ngoài về đã chiếm đến 15-17% tổng chi phí đầu tư.

Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển điện gió có rải rác tại 22 tỉnh thành trên cả nước; trong đó có các tỉnh đã có quy hoạch phát triển điện gió, như Bình Thuận đến năm 2020 sẽ phát triển khoảng 700 MW điện gió, Ninh Thuận 220 MW, Sóc Trăng 200 MW, Bến Tre 150 MW và Quảng Trị 110 MW.

Tiềm năng lớn nhưng rào cản chính đối với các nhà đầu tư điện gió thời gian qua vẫn là giá mua điện gió còn thấp (hiện giá mua điện gió trên bờ 7,8 cent/kWh và điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh) nên chưa khuyến khích đầu tư phát triển.

Cũng theo ông Phạm Trọng Thực, mới đây Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia, dự kiến đến đầu năm 2016 Việt Nam sẽ có chiến lược để phát triển năng lượng tái tạo cấp quốc gia cho những năm tới.

Qua nghiên cứu, nguồn thủy điện ở Việt Nam đã khai thác gần hết, còn về nguồn than có thể đáp ứng nhu cầu trong nước đến năm 2100 và tương lai Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho sản xuất điện. Việt Nam sẽ tăng cường phát triển năng lượng tái tạo để bù đắp năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ông Thực thông tin thêm tại hội thảo sáng nay.

Hiện nay, trong tổng công suất điện quốc gia thì nhiệt điện than đang chiếm khoảng 34%, thủy điện 43%, điện khí 19% và điện chạy dầu chiếm 4%. 

Tính đến nay, Việt Nam cũng đã có một số dự án năng lượng gió đang vận hành gồm dự án điện gió ở Tuy Phong (30 MW), điện gió Bạc Liêu (16 MW), Phú Quý (6 MW), và dự án điện gió Phú Lạc (24 MW) đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, còn có 52 dự án điện gió khác trong quá trình nghiên cứu lập dự án với tổng công suất 4.252 MW. Dự kiến đến năm 2030 nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 6% công suất điện quốc gia.

Nguồn: Thời báo KT Sài Gòn

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả