Kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt dù còn nhiều khó khăn

  04/03/2016

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng bước vào năm 2016, mở đầu cho kế hoạch 5 năm (2016-2020) nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn so với 5 năm trước, trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định.

(Ảnh: Mỹ Phương/Vietnam+)

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Tăng trưởng Kinh tế và triển vọng Đầu tư trong bối cảnh hội nhập,” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/3.

Nhiều cơ hội phát triển bền vững

Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, nếu so với tình hình kinh tế-xã hội 5 năm trước, thì bước vào năm 2016 bức tranh kinh tế của Việt Nam diễn biến khá tích cực, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong những tới.

Bên cạnh đó, sự hoàn thiện về thể chế cũng như chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập,” đã góp phần thúc đẩy Việt Nam đi vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, quan hệ ngoại thương, tín dụng và đầu tư tiếp tục phát triển tích cực, vị thế kinh tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thị trường khu vực và thế giới.

Tương tự, các chuyên gia cho rằng năm 2015 kết thúc với các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tỷ giá, thanh khoản của ngân hàng thương mại; xuất nhập khẩu… tiếp tục được cải thiện so với các năm trước.

Bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 5,9%/năm; riêng năm 2015 đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm với mức 6,7% và GDP/người năm 2015 đạt 2.228 USD.

Để tận dụng cơ hội thuận lợi và vượt qua thách thức, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp và từng sản phẩm.

Doanh nghiệp phải giữ vai trò quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế. Doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ.

Song song đó, doanh nghiệp cần có tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà cần tích cực vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), khuyến cáo doanh nghiệp không thể tự quyết định được tất cả, cần hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Vì thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặt khác, với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khuyến khích phát triển doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế và tính tự chủ của nền kinh tế.

Lãi suất và tỷ giá linh hoạt

Nhận định về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối diện, các chuyên gia cho biết thị trường tài chính phát triển không đồng bộ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm chưa đóng vai trò là kênh tạo vốn trung​-dài hạn cần thiết cho nền kinh tế.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn tái cơ cấu phải đảm nhận phần lớn nguồn vốn ngắn hạn lẫn trung-dài hạn cho nền kinh tế nên vẫn đang gặp khó khăn.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết năm 2016, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục cho thấy nhiều rủi ro khó lường như diễn biến đồng nhân dân tệ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu bất ổn hơn trước; chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ tiếp diễn, nên USD sẽ còn mạnh lên và tạo áp lực điều chỉnh tỷ giá USD/VND.

Riêng về tình hình trong nước, nguồn cung ngoại tệ trong năm nay sẽ tiếp tục khó khăn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp, đồng thời ảnh hưởng của giá dầu tiếp tục giảm làm cho nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu và kiều hối có thể không cao như mong đợi.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng thị trường tài chính quốc tế không chỉ tác động lên tỷ giá mà còn gây bất lợi đến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước; đồng thời tăng trưởng được dự báo khả quan hơn kéo theo nhu cầu vốn tăng.

Vì vậy, trong năm 2016 thách thức đặt ra đối với điều hành ổn định lãi suất là lớn, trong đó nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cao sẽ tạo áp lực tăng lãi suất.

Mặt khác, chính sách tiền tệ vừa phải điều tiết thanh khoản hài hòa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất của các của các tổ chức tín dụng; vừa phải đảm bảo hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu chính phủ.

Từ đó, tác động trở lại đến lãi suất dài hạn trên thị trường tiền tệ, gián tiếp cản trở đến mục tiêu ổn định lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Trước những thách thức trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ và thực hiện linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.

Nguồn: vietnamplus.vn

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả