Lập trường đào tạo 300 phi công/năm tại sân bay Chu Lai
Một trường đào tạo phi công sẽ được mở tại sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) với mục tiêu đào tạo hơn 300 phi công/năm đến năm 2020.
Quang cảnh lễ ký kết chiều 15-11
Đây là một trong nhiều dự án hợp tác được ký kết trong lĩnh vực hàng không giữa các doanh nghiệp Việt Nam và New Zealand nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand John Key từ ngày 14 đến 17-11.
Theo văn bản hợp tác thương mại giữa Công ty đào tạo bay Eagle Flight và Trường hàng không New Zealand ký kết với Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC) chiều 15-11 để thành lập trường đào tạo phi côngtại sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam).
Trường sẽ thực hiện đào tạo phi công, cung cấp đội ngũ giáo viên dạy bay và chuyên đánh giá cấp bằng đào tạo cho ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam trong tương lai. Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC) sẽ chịu trách nhiệm mảng bảo dưỡng máy bay cũng như đào tạo kỹ thuật viên hàng không.
Dự án này đặt mục tiêu đào tạo hơn 300 phi công/năm đến năm 2020, với kế hoạch đào tạo phi công đạt chứng chỉ Bằng điều khiển máy bay tư nhân tại Việt Nam, sau đó sẽ chuyển tiếp học tại New Zealand để lấy bằng bay thương mại (dân sự).
Hiện ngoài trường đào tạo Bay Việt với cơ sở tại TP HCM, Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo hàng không dân dụng nào khác. Hiện Việt Nam thiếu hụt nguồn giáo viên dạy bay cũng như chuyên viên đánh giá cấp bằng có năng lực phù hợp từ cấp thấp đến cấp cao. Tất cả các học viên phi công Việt Nam phải ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn huấn luyện bay và kèm với đó là những khoản chi phí lớn cùng chất lượng huấn luyện không đồng đều.
Giám đốc điều hành của AESC Trần Hải Đăng cho biết AESC cũng sẽ thực hiện công tác bảo dưỡng máy bay, huấn luyện và đào tạo nhân viên kỹ thuật hàng không, đồng thời chịu trách nhiệm về hoạt động marketing và tuyển dụng học viên. "Thị trường của chúng tôi không chỉ ở Việt Nam mà còn phục vụ các học viên đến từ Lào, Campuchia, Myanmar" - ông Đăng nói.
Theo tính toán của Vietnam Airlines, chi phí đào tạo một phi công đạt trình độ cơ bản vào khoảng 1,9 tỉ đồng với thời gian khoảng 24 tháng.
Cũng trong chiều ngày 15-11, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Giáo dục đại học, Kỹ năng và lao động Steven Joyce và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, 4 hiệp định thương mại song phương đã được ký kết giữa các doanh nghiệp: Liên minh Uy tín toàn cầu (GTA) – AsureQuality - Vinamilk; Hãng Hàng không quốc tế - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM); Hãng Hàng không quốc tế - Học viện Hàng không Việt Nam và Hiệp hội Hàng không New Zealand - Tổng công ty Vietjet Air về việc thiết lập, mở rộng mạng đường bay, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo huấn luyện điều hành không lưu, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm an toàn, an ninh hàng không… |
Nguồn: nld.com.vn